19/11/2014

Giận



'Giận dữ là một trạng thái không lành mạnh của tinh thần, Ðức Phật không bao giờ cho phép nóng giận một điều gì. Trong đạo Phật, không có gì được xem là cơn nổi giận đúng. Tất cả mọi cơn nóng giận từ mức độ thấp hay cao cũng đều là xấu cả. Nó giống như là liều thuốc độc tiêm vào đầu óc chúng ta. Vì thế Ðức Phật khuyên chúng ta hãy hóa giận dữ thành yêu thương'.

...

Đêm qua mình nổi giận với một em cún. Em cún còn lại thì sợ hãi nằm giấu mặt, cúp đuôi. Mình cứ tưởng mình thắng được quỷ dữ, nào ngờ hôm qua con quỷ giận dữ nó chiếm lấy mình. Chỉ trong vài phút thôi mà mình đánh mất bản thân, làm cho mấy em cún buồn bã đến não lòng ... mà mình thì cũng chẳng vui vẻ gì. Thật là tồi tệ!

Bố mẹ đánh con, chắc cũng xót xa và khổ sở thế này.... có khi còn gấp trăm ngàn lần thảm hại hơn mình. Một lần nữa, lại khóc trong lòng đến tê tái. Giận dữ, độc ác, hay yêu thương đều bắt nguồn từ trái tim. Và mình thì không muốn ôm một trái tim hờn giận ... và một cái đầu rối loạn cuồng nộ đâu...


Qua cơn giận, mình ôm cún vô lòng mà ân hận quá chừng. Mình sẽ không để mình rơi vào trạng thái căng thẳng mệt mỏi nữa. Mình sẽ không để mình sợ hãi hay mất phương hướng gì nữa. Mình cũng sẽ không để cảm giác bất lực lẩn quất mãi trong người. Mình không muốn cái cảm xúc huỷ diệt này lại đến nữa... Nhất định sẽ cố 'kiểm soát nóng giận' thật xịn.

30/10/2014

Éo le & Tréo ngoe



1. Giang hồ Sài Gòn
(chắc là ăn theo ... 'Bụi Đời Chợ Lớn')

Vào một ngày đẹp đẹp đẹp trời, mình nhận được 3 lá thư trong 3 cái phong bì trắng tinh lịch lãm gởi cho 3 đối tượng khác nhau trong văn phòng. Đặc điểm chung của 3 cái phong bì là có một hàng kim bấm viền xung quanh bao bì, và có cửa sổ hình chữ nhật lấp ló tên và địa chỉ người nhận bên trong. Đặc biệt hơn, chỉ cần ngó vô các ô 'cửa sổ' đó là mình giật mình hốt hoảng - tinh thần bấn loạn.

THÔNG BÁO TIỀN NỢ THUẾ VÀ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP
Kính gởi: ....
Mã số Thuế: ...
Địa chỉ: ....

Vì là nhân viên 'thụ lý vụ án' nên mình trực tiếp mở thư. Sau mấy lần xước tay chảy máu vì gỡ gần năm chục cái kim bấm, mình cũng run run đọc được 3 lá thư. Nội dung tóm lại là ngắn gọn như sau:
- Số tiền nợ thuế: 0 đồng
- Số tiền chậm nộp: 6.735.491 đồng (có cái gần chục triệu)
.... Yêu cầu người nộp thuế nộp ngay số tiền thuế, tiền phạt còn thiếu nêu trên vào Ngân Sách Nhà Nước.

Đọc xong ức chế quá, cứ y như bị bắt chẹt. Có bao giờ mình dám trả Thuế trễ đầu trời. Chẳng thấy ghi một chút căn cứ nào, sao lại bảo mình còn nợ.

Liên lạc cục thuế mình được hướng dẫn phải hẹn ngày rồi ôm hồ sơ lên giải quyết... . Some days later ... Sau một hồi kiểm tra đối chiếu, cán bộ thuế kết luận có một phần là lỗi hệ thống, sẽ chỉnh sửa và gởi thông báo lại sau.

Tại sao họ không rà soát hệ thống trước khi ra thông báo nhỉ? Tiền thuế họ nhận nằm sờ sờ trong tài khoản của họ đấy thôi. Hoặc chí ít muốn ra thông báo thì cũng nên có trách nhiệm hoặc tỏ ra chuyên nghiệp một tí, đại loại như: Hệ thống báo cáo Thuế cho thấy Mã Số Thuế này còn nợ như thế như thế, yêu cầu người nộp thuế/doanh nghiệp liên lạc cán bộ thuế tên ABC để đối chiếu kiểm tra và hoàn tất hồ sơ thuế... v.v và v.v. Có đâu lại ngang nhiên bảo người ta còn nợ và yêu cầu nộp ngay như thế. Khác gì xã hội đen - giang hồ: Dí cho người ta một cục nợ rồi bắt phải trả.

Chưa kể đến khoản tính ngày nộp chậm cũng rất ê chề. Theo quy định, người nộp thuế phải nộp trước ngày 20 của tháng liền kề. Kiểu như Thuế thu nhập tháng 1 thì hạn chót trả sẽ là 20 tháng 2. Sau đó tất nhiên là bị phạt chậm nộp theo lãi xuất ngân hàng. Tuy nhiên, cho dù giấy nộp tiền của bạn ghi rành rành bạn nộp ngày 19, nhưng tiền vào tài khoản của cục thuế là ngày 22 chẳng hạn, thì bạn vẫn sẽ bị phạt 2-3 ngày chậm nộp. Bất chấp ngày 20 - 21 có là thứ Bảy - chủ Nhật và Ngân hàng không làm việc đi chăng nữa. Tại sao lại căn cứ vào ngày nhận tiền mà không phải là vào ngày nộp tiền nhỉ?

Và mình được nghe lý do là như vầy: Chuyện kể rằng ... Có một người nộp thuế thu nhập tháng 4, Giấy nộp tiền của Ngân hàng đóng dấu ngày chuyển khoản là tháng 4, nhưng kho bạc lại ghi là khoản tiền đó đến TK cục thuế vào tháng 11. Kiểm tra mấy vòng thì mới phát hiện do Ngân hàng nâng cấp hệ thống, gây ra lỗi ngày tháng và khoản tiền bị chuyển chậm. Cuối cùng người nộp thuế vẫn phải nộp trả chậm. Chưa kể đến khoản vi phạm chậm trễ hơn 90 ngày có thể bị xem là trốn thuế và xét xử theo luật định. Từ câu chuyện đó nên giờ phải theo Kho Bạc, không theo ngày chuyển khoản ngân hàng. Mọi người phải rút kinh nghiệm.

Nghe mà ức. Quyền trong tay họ, xét xử trong tay họ, nếu biết người nộp thuế không phạm luật. Chứng cứ (giấy xác nhận ngân hàng) còn đó, sao không xét xử theo hướng tích cực, hỗ trợ và giãn sức dân, mà lại cứ khăng khăng theo hướng phải lấy thêm tiền của người nộp thuế?

Cứ phải theo chứng lý của Kho Bạc Nhà Nước ư? Chả lẽ Kho Bạc không nhầm lẫn à? Xin thưa, với công ty mình, họ đã nhầm lẫn khá nhiều năm. Vài khoản thuế đóng cho ông J.G trong năm 2009, họ ghi đóng cho ông David B và Laab Khr. Ả Rập nào đó. Từ tháng 8 - 2009 đến năm tháng đầu năm 2012 Kho Bạc lại ghi nhận đóng cho hoạt động ngắn hạn. Ngắn hạn những 4 năm cơ đấy. Chưa kể những nhân vật khác trong công ty mình cứ bị cắm vào những cái tên lạ hoắc lạ hoác ở đẩu đâu ấy. Phải kiểm tra đến mệt óc mới lần ra từng khoản nộp bị ghi sai. Rồi phải làm tờ điều chỉnh gọi là C1-07/NS đến hết hơi. Mỗi cái sai làm 1 tờ riêng. In ra và ký thành 3 bản đem nộp. Đến khi nộp, cán bộ nhận hồ sơ ngồi đếm đếm số cột trên tờ điều chỉnh, xong phán một câu: 'Chị về làm lại, mẫu mới có 15 cột lận. Chị download nhầm mẫu cũ rồi'. Lại lết tha lết thếch về làm lại, ký lại, mỗi thứ 3 bộ. Mỗi cái sai là một tờ riêng. Mỗi người từ 3 - 5 cái sai trong 4 đến 5 năm liền cần phải điều chỉnh. Đến khi đem lên nộp, cộng với tất cả bản photo giấy nộp tiền trong mấy năm thật không biết mình đã nộp bao nhiêu là ký lô giấy cho họ. Lỗi lại không phải ở mình mà là ở cái Kho bạc của Nhà Nước. Vậy mà ... chính mình phải xin điều chỉnh cái sai ấy mới buồn chứ.

Có éo le tình đời hay không?


Có thể họ thấy mình cần việc nên tạo thêm công ăn việc làm cho mình đây mà.


... đây là hình ảnh của 3 'bức thứ tình mùa Thu' ấy.
    (được xử lý để không tiết lộ thông tin cá nhân)


2. Gia Định Khu ứng biến
cái tựa này là ăn theo tựa Gia Định Thành Thông Chí nè ...

... vì Chuyện xảy ra tại một khu còn chút di tích của thành Gia Định.

Đầu tháng, mình có người nhà dưới quê lên khám bệnh. Người quê vốn tiết kiệm nên nhất định phải khám bảo hiểm. Tưởng là lấy số khám, rồi xét nghiệm xong chỉ trong một vài ngày, bác sĩ sẽ sắp lịch cho mổ rồi sẽ thu xếp... một là về quê chờ ngày phẫu thuật, hay hai là ở lại thành phố thăm thú vài hôm. Ai dè, mỗi ngày phải lấy số gặp bác sĩ, chỉ xét nghiệm được một thứ, chờ từ sáng đến chiều tối. Sáng mai lại đến lấy số, và gặp bác sĩ, và đi siêu âm, và làm xét nghiệm thêm mục khác.... và quy trình cứ thế cứ thế trong hơn 10 ngày. Cuối cùng, tiền phòng trọ, tiền ăn uống... ái chà cũng vào đó. Bệnh càng lúc càng đau, người thì mệt mỏi rã rời.

Cuối cùng đuối quá ... mới xin bác sĩ cho qua làm dịch vụ.

Bác sĩ nói không được. Hồ sơ phần khám bệnh không chuyển được nữa, nhưng phần mổ thì sau khi hội chẩn có thể chuyển qua sử dụng dịch vụ. Và người nhà đã gật đầu cái rụp 'Dạ mổ dịch vụ đi ạ'.

Tuy vậy cũng phải hoàn tất các loại xét nghiệm. Khổ cái mỗi lần xét nghiệm/siêu âm, bạn phải có hoá đơn đóng tiền trước. Kèm hoá đơn đó với chỉ định của bác sĩ rồi nộp vô phòng xét nghiệm người ta mới làm cho. Vậy nên cái hoá đơn rất là quan trọng. Mất hoá đơn là phiền vô cùng. Tiền có thể mất thêm một khoản, nhưng cái khoản xếp hàng chờ đóng tiền thì vô cùng khủng khiếp. Nhất là khu vực khám bệnh thuộc diện Bảo Hiểm.... nó đông như cả thế giới đổ về đó. Chờ đến lượt mình được đóng tiền thì không biết đến mùa Thu nào, lại còn thêm việc mong đợi ngậm ngùi ở phòng xét nghiệm sau đó. Nếu làm trễ thì kết quả phải dời sang ngày mới, rồi lại khám trễ và lại đóng tiền trễ, xét nghiệm trễ ... trễ luôn tất tần tật. Vậy nên phải thật chú y đến cái hoá đơn màu hồng.

Nhưng mà, đường có năm bảy nẻo để đi. Muốn được đóng tiền nhanh cũng không phải là không có cách. Bọn mình được thông báo nếu muốn đóng tiền nhanh thì qua phòng 15 mà đóng. Bước qua phòng 15, mọi việc nhanh chóng hơn thật, vì số lượng người đóng tiền ở phòng này cũng ít. Và thay vì đóng 300 ngàn phí xét nghiệm, thì chỉ cần đóng thêm 15 ngàn cho dịch vụ thu tiền nhanh mà thôi. Từ đó, cứ muốn có hoá đơn để nhanh chóng sang khu xét nghiệm, người nhà lại qua phòng 15.

Sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn muốn hỏi ngu một câu: Thay vì chỉ có 1 quầy thu tiền bên ngoài rất 'nheo nhóc lam lũ', tại sao họ không đem hẳn cái phòng 15 ấy ra ngoài để thành 2 quầy thu ngân hoạt động cho nhanh gấp đôi và hiệu quả hơn?

Nghe có thấy tréo ngoe không?

... Cho đến khi được lên lịch phẫu thuật, rồi vào phòng phẫu thuật, rồi phòng dưỡng bệnh, rồi cắt chỉ xuất viện về quê. Người nhà đã ở Sài Gòn trọn 4 tuần - chả biết gì về Sài Gòn ngoài cái khuôn viên bệnh viện có hàng cây xanh xanh và rất nhiều người bệnh cùng thân nhân nằm la liệt khắp nơi. Người bệnh thì chia nhau giường bệnh kiểu ghép 2 giường cho 3 người, ghép 3 giường cho 5 người ... còn thì một số nơi đặc biệt cũng được tận dụng làm chỗ ngủ nghỉ như dưới gầm giường, ngoài hành lang, chỗ chiếu nghỉ cầu thang, bên vệ cỏ, trên ghế đá và ngay trước khu tủ điện kỹ thuật …

29/04/2014

Phật ... là Giác Ngộ


Đừng cho rằng hôm nay mình 'triết lý'..., mình không đủ trình độ để làm chuyện vĩ đại của nhân loại ấy đâu.

Thật ra, vì có cơ hội giáp mặt tiền bối, lại nghe anh kể chuyện lịch sử Phật giáo hay quá, nên mình cố ghi lại để nhớ sau này. Mà cũng vì hiểu biết quá sơ sài về đạo Phật, nên khi gặp được một người có nghiên cứu về Phật học là bọn mình tranh thủ hỏi ngay. Bậc 'cao nhân' ấy cũng cố gắng trả lời thật đơn giản để lũ ngốc bọn mình hiểu và nắm được phần cốt lõi nhất. Chỗ này phải cảm ơn anh thật nhiều!

... vì là ghi chép vội vàng, chắc chắn sẽ có nhiều sai sót lắm, nên mình hy vọng 'sư phụ'  (từ đây gọi anh là Shi Fu) sẽ ghé mắt qua bài này của mình và sửa lại cho đúng hơn :)

Giác Ngộ là gì?

Giác là Thấy, Ngộ là Hiểu.
Cần phải thấy - hiểu điều gì? Chính là thông suốt 2 mảng: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan.

Đạo Phật là gì?

Ai cũng nghĩ đạo Phật là đạo của Phật. Vậy Phật nghĩa là gì? 

Đức Thích Ca khi sinh ra là 1 thái tử, tên là Siddarta. Đạo giáo đang phát triển lúc ấy là đạo Bà La Môn. Như bao người khác ngài cũng theo đạo này. Tuy nhiên, tất cả các sách giáo lý hay các nhà thông thái thời bấy giờ đều không thể trả lời 2 câu hỏi của ngài:

- Tôi từ đầu đến? Tôi đang làm gì? Tôi đi về đâu?
- Tại sao chúng sinh lại khổ Sinh - Lão - Bệnh - Tử?

Sau 49 ngày ngồi dưới gốc Bồ Đề suy nghĩ, ngài đạt được Tam Minh - cho mình đã giác ngộ. Ngài bèn rời gốc Bồ Đề và việc đầu tiên là đi cảm ơn những đứa trẻ chăn trâu ngày ngày vẫn đem cho ngài thức ăn thức uống. Mấy đứa trẻ thấy ngài liền hỏi:
- Ngài đã giác ngộ rồi sao?
- Ta đã giác ngộ. 
- Chúng tôi gọi ngài là Ông Giác Ngộ được không?
- Được

Trong ngôn ngữ Sanskrit (tiếng Phạn), Giác Ngộ đọc có âm giống như Buddha. Tiếng Trung phiên âm thành Phật Đà. Và sang tiếng Việt thì được gọi tắt là Phật (trước còn gọi là Bụt). 

Vậy Phật có nghĩa là Giác Ngộ. Học Phật để có thể hiểu về Nhân sinh và Vũ trụ. Tự trả lời được 2 câu hỏi trên như Phật và có thể giải thoát chính mình.

Ngũ Minh là gì?

Khi theo tôn giáo, người học đạo nên học và trở thành người có tri thức để không nghe và nhìn nhận tôn giáo ấy một cách mù quáng, u mê. Người theo tôn giáo có tri thức chính là người TỈNH THỨC. Vậy làm thế nào để thành một người có tri thức? Phật dạy về Ngũ Minh, trong đó:

  1. Nội Minh: biết về giáo lý. Giáo lý nhà phật là quán chiếu nội tâm - dạy cách nhìn vào trong tâm của chính mình
  2. Ngoại Minh: biết cuộc đời. 
  3. Công Xảo Minh: biết Khoa Học Kỹ Thuật.
  4. Thanh Minh: biết phá bỏ tính phân biệt. Đạo Phật - theo 1 cách nào đó là 1 cuộc cách mạng. Tại Ấn Độ, khi đạo Phật ra đời đã xóa bỏ được sự phân biệt giai cấp. Đạo Phật quan niệm, tất cả mọi người đều có máu đỏ, đều có nước mắt mặn. Chúng sinh là như nhau.
  5. Dược Minh: biết về thuốc. Ai cũng có khỗ não và bệnh trong tâm - nên phải học cách chữa bệnh cho tâm.

Tam Giới là gì?

Chúng ta hay nghe câu 'Phật ở ngoài Tam Giới', hoặc câu 'chúng ta tu để thoát khỏi Tam giới'. Tam giới là gì mà phải thoát? Tam giới chính là:

- Dục giới: Đời sống vật chất
- Sắc Giới: Đời sống tình cảm, ái dục
- Vô Sắc giới: Về tư tưởng

Tu như thế nào là đúng?

Mục tiêu cuối cùng của đạo Phật là Giác Ngộ và đạt được Niết Bàn, hay còn gọi là giải thoát. Làm sao để tu đúng và đạt được giải thoát? 

Trong xã hội, tựu chung có 2 dạng người: Cần tôn giáo và bất cần tôn giáo. Cần tôn giáo lại chia làm nhiều dạng. Riêng hàng Phật tử được chia thành 4 dạng người, mà anh Shi Fu gọi là 4 loại 'bụng':

  1. Người có đức tin: là người có bụng Tin vào Phật, chịu khó tu tập, tạo phước đức, tụng niệm và giữ giới... Làm mọi việc cầu mong được Phật gia hộ hoặc tích phước đức đầu tư cho kiếp sau.
  2. Tu tích cực: là người có bụng từ bi, giúp người đời, làm từ thiện ....
  3. Thích kỳ bí, thích huyền thuật: là những người có bụng tin vào phép màu nhiệm của đạo, cũng có thể là những người mà xưa chẳng có gì để mất - sau này có nhiều thứ muốn giữ nên cầu thần thánh trời phật gia hộ giữ giùm.
  4. Tin vào Giáo Lý: người hiểu và tin vào lý lẽ của đạo giáo.

Cách thứ tư, Tu theo bụng của Người tin vào Giáo Lý là cách tu đúng - có hiểu biết mới có khả năng đi đúng đường lối.  Ba cách còn lại, Tu theo bụng của Người có đức tin, người tu tích cực, hày Người thích màu nhiệm chẳng qua chỉ là sự mưu cầu... mà còn mưu cầu là vẫn chưa thể thoát khỏi Tam giới hay đạt được giải thoát.

Sao gọi là Chân tu?

Người đến với đường tu cũng có 3 cách:

- Nghiệp tu: do nghiệp đưa đẩy, dù lòng chưa muốn, hoặc chưa có ý thức đi tu. 
- Nghề tu: Xem tu là một nghề để kiếm tiền - thấy rõ nhất là những người đi cúng, đi tụng.
- Chân tu: là những người thực bụng muốn tu học.

Tiểu thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa

Khi Đức Phật còn ở đời, không hề có sự phân biệt Tiểu, Trung hay Đại thừa (trên cả phương diện tông phái hay tư tưởng). Vì tùy trình độ của mọi người mà Ngài thuyết pháp có cạn sâu, cao thấp. Thính chúng khi nghe, tuy cùng nghe 1 giáo lý nhưng sự lĩnh hội lại rộng hẹp không đồng. Do đó mới nảy sinh phân biệt. Khi Phật nhập diệt, các tăng đoàn kết tập kinh điển của Phật, qua 4 lần kết tập nội bộ phát sinh sự phân hóa và chia rẽ sâu sắc về cách hiểu và hành trì các pháp môn của Phật. Tại lần tập kết thứ 4 thì sự phân biệt tranh đua đã đến mức không thể dung hòa. Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) và Phật Giáo Phát Triển bắt đầu song hành từ bối cảnh này và du truyền sang các nước khác . Khi đến Trung quốc thì Phật Giáo Phát Triển lớn dần và được phóng đại lên thành Phật giáo Đại thừa, với ngụ ý rằng chỉ những người tu theo đường lối này mới là những người tu theo Pháp lớn của Phật, còn những người tu theo Phật giáo nguyên thủy chỉ là tu theo những pháp nhỏ. Như vậy hai chữ Tiểu và Đại cũng chỉ là do con người đời sau tạo tác trong bối cảnh tâm lý thị phi, phân biệt, cạnh tranh, chê bai lẫn nhau, ai cũng muốn khoe rằng chỉ có pháp tu của tôi mới đúng, mới vĩ đại.

Thừa: có nghĩa là cỗ xe

- Tiểu thừa là cỗ xe nhỏ: Quan niệm Người tu Tiểu thừa học thấu đáo lý thuyết vạn pháp do nhân duyên sanh, thấu đáo chân lý chân không, tu hành tự lợi. Bên Phật giáo Nguyên thủy cho rằng chỉ có họ mới theo sát lời Phật, tu đúng gốc theo Pháp của Phật - chê bai Đại Thừa là tu ngọn.
- Đại Thừa là cỗ xe lớn: quan niệm  rằng là giáo pháp dạy tất cả loài hữu tình thành Phật, điều cơ bản là nguyện độ khắp chúng sinh. Các chùa hay tùy tiện sử dụng 2 từ này ngầm ý khoe rằng tu theo đại thừa là tu pháp môn cao đẹp hơn.
- Kim Cang thừa: bắt nguồn từ Đại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. Kinh sách Kim Cang Thừa trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là  Tantra, và hay sử dụng Chân Ngôn, có ảnh hưởng mạnh nhất tại các vùng Tây Tạng.

... Từ đó các tông pháp luôn chống báng lẫn nhau đến tận hôm nay chưa dung hòa được. 

Tuy nhiên, nếu hiểu hai chữ Đại thừa như là một thước đo mức độ của tư tưởng hay trí tuệ thì lại khác. Bất kể là theo tu học theo tông phái nào, chúng ta đều có thể căn cứ theo mức độ tư duy, hiểu biết hay trí tuệ của mình mà nói là tu Đại thừa hay tu Tiểu thừa. Ví dụ: cũng là bài thuyết pháp đó của đức Phật mà chúng ta:

(1) hiểu theo nghĩa đen căn cứ vào bề mặt văn tự, câu cú thì đây được xem là tu học trên nền tư tưởng Tiểu thừa,
(2) còn học và hành theo nghĩa bóng ở mức độ sâu sắc, lắng đọng, chân thật nghĩa hơn thì có thể được gọi là tu trên nền tư tưởng Đại thừa.

Những vị tu theo cách (1) thì được gọi là tu theo “Tục đế”; các vị tu theo cách (2) được gọi là tu theo “Chân đế”.

Nam Tông, Bắc Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, ...?

Khi Đức Phật còn ở đời, Phật giáo là duy nhất. Đạo Phật nguyên Thủy (Theravada) trước không có việc thắp nhang, tụng kinh, gõ mõ, cũng không có việc bùa ngải, chú niệm... Khi Phật nhập diệt, Phật giáo phân hóa, theo các ngả lưu truyền và hòa nhập vào đời sống của từng vùng miền khác nhau, từ đó sinh ra sự phân biệt về tông phái.

- Nam Tông: Từ Ấn Độ sang Srilanka, Mianmar, Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam. Vì du nhập từ hướng Nam nên Người Việt gọi là Nam Tông cũng chính là Tiểu Thừa: tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy - chỉ biết Phật Thích Ca, không công nhận có Bồ Tát... (do không truy tìm ra lịch sử và chứng tích của Bồ Tát). Tu Nam Tông được quyền ăn mặn, vì họ dùng không phân biệt các thức đồ dâng cúng.

-Bắc Tông: Từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào Việt Nam. Vì du nhập từ phương bắc nên được gọi là Bắc Tông. Tu theo lối Đại Thừa. Vì Trung Quốc khi xưa theo đạo Khổng, đạo Nho, Đạo Lão, nên Đạo Phật cũng lấy những nét tương đồng để dễ hòa nhập. Từ đó sinh ra việc thắp nhang, gõ mõ, tụng kinh...

- Thiền Tông: Tu theo lối tọa Thiền do Bồ Đề Đạt Ma đưa vào Trung Quốc, kết hợp Phật giáo Đại thừa với đạo Lão. Thiền được chế tác nhằm giúp mở mang trí tuệ khi học Phật đạo.

- Tịnh Độ Tông: Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-di-đà và quán tưởng Cực lạc. Mục đích của Tịnh Độ Tông là tu học để được thoát sinh tại Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Ba bộ kinh quan trọng của Tịnh Độ tông là: Vô Lượng Thọ Kinh, Kinh A Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

- Mật Tông: Phật Giáo từ Ấn Độ du nhập sang Tibetan (Tây Tạng), Butan, Mông cổ... Tại các xứ sở này khi ấy đạo Bon đang rất thịnh. Đạo Bon là đạo Phù Thủy - chú trọng bùa chú, phù phép, thư ếm, tái sinh người chết ... Để 'get along well ', Đạo Phật cũng sử dụng các phương thức tương tự... . Mật Tông - Kim Cang Thừa công nhận có Bồ Tát và việc Tái Sinh. Người tu Mật Tông đến hàng tu-ku hoặc ri-bô-sê sẽ được tùy ý chọn nẻo tu theo Minh Triết hay theo Tantra. Dù cũng bắt nguồn từ đạo Phật, nhưng nhiều hội Phật Giáo không công nhận Mật Tông là đạo của Phật. 

Vì sao gọi thời nay là Đời Mạt Pháp?

Pháp của Phật được gọi theo các thời khác nhau:
- Gọi là Chân Pháp: Khi đức Phật còn tại thế.
- Gọi là Tượng Pháp: Khi đức Phật mất và Pháp vẫn đang hưng thịnh.
- Gọi là Mạt pháp: tức là Phật Pháp sau này.


Học Phật khó mà dễ. Mình cứ tự thắp đuốc mà đi, dùng phương tiện là giáo lý để mở mang trí tuệ. Mình học để biết phải làm gì cho chính mình, sống giải thoát và đạt niết bàn ngay từ lúc này, ngay trong chính hiện tại cuộc sống. Mình cũng là Phật của chính mình, là thầy của chính mình.